Để tử tế không còn là điều mơ ước xa xôi

Tại sao chỉ hành động mua 10 suất cơm cho cụ già của một nữ sinh viên lại làm dấy lên lòng cảm mến như vậy? Tại sao việc trả lại tiền nhặt được của một vài học sinh lại khiến chúng ta nức lòng? Phải chăng điều tử tế trong cuộc sống đang ngày một khan hiếm, khiến chúng ta phải mỏi mắt tìm kiếm mới có, thậm chí phải mơ ước mới tìm được?

Sự tử tế như những bông hoa làm đẹp cho đời

Bởi điều tử tế chưa có cơ hội lan tỏa

Xã hội luôn phát cuồng lên trước những thông tin tiêu cực. Những câu chuyện tréo nghoe, trái với thuần phong mỹ tục luôn thu hút được sự quan tâm đôi khi vượt ngoài sức tưởng tượng. Vợ giết chồng, cha giết con, thầy hiếp trò, nhân viên tố sếp, tham nhũng, bất nhân… luôn khiến người ta ồ à, trố mặt, kinh ngạc, chia sẻ, thậm chí “bơm vá, mông má” thêm nhiều chi tiết sao cho cực giật gân, cực sốc, cực hút độc giả.

Còn điều tử tế thì ít có cơ hội để lan tỏa hơn.

Chỉ những sự tử tế nào lớn hơn cả sinh mạng mới được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn chuyện cô bé Hải Anh hiến đôi mắt của mình cho người khác ở phút lâm chung; hay chuyện cha con nghệ sĩ Quốc Tuấn mấy chục lần đối diện với cái chết để tìm sự sống cho con; hay chuyện những người mẹ ung thư hy sinh thân mình từ chối điều trị để cho con thành người… mới thực sự lan tỏa.

Những giá trị đích thực của cuộc sống giờ đây không được đáng giá cao. Báo chí, mạng xã hội quan tâm nhiều hơn đến việc nghệ sĩ hôm nay yêu ai, phản bội ai, mặc quần áo gì, mua hàng hiệu gì, đi xe hơi loại nào… hơn là quan tâm đến những câu chuyện tốt đẹp. Các quảng cáo sản phẩm cũng hướng tới mục tiêu nhảm nhí kiểu dùng kem đánh răng để hôn nhau dễ dàng hơn; dùng nước giặt loại này để… “câu trai” được tốt hơn; uống loại nước này để nam nữ dễ đi đến tình yêu hơn… Nếu bỏ thời gian ra để cân đong đo đếm các thông tin, thì thông tin về những điều tốt đẹp bị lép vế hơn nhiều so với những thông tin độc ác và tiêu cực.

Sai lệch từ nhà và từ trường

Dạy chữ quên dạy người – đó là nhận định của GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam. Sai lầm ấy của chúng ta kéo dài quá lâu. Chưa kể việc quên dạy trò làm người, nhiều thầy cô – và cả phụ huynh nữa, còn tự biến mình thành biểu tượng của cái ác, cái bất minh… ngay trong khuôn viên nhà trường. Chưa bao giờ nhà trường lại trở thành nơi bất ổn như hiện nay.

Một hiệu trưởng từng tâm sự, ông cảm thấy thực sự buồn khi học trò đến trường như nghĩa vụ, thầy cô dạy như nghĩa vụ; họ gặp nhau vì chuyện chẳng đừng. Thầy làm việc của thầy, trò làm việc của trò, không có sự tương tác, hiểu biết, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. “Trường học nào cũng có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, đề cao đạo đức, nhân cách của con người, đề cao việc học làm người bên cạnh việc học tri thức, kỹ năng. Tuy nhiên, chương trình giáo dục của chúng ta lại đang quá đặt nặng kiến thức, chạy đua với thành tích mà quên đi những bài giảng đạo đức làm người” – ông buồn rầu nói.

Trong khi đó, nhiều gia đình lại có tư tưởng khoán trắng con cho nhà trường mà không biết rằng đứa trẻ rất dễ ảnh hưởng bởi hành vi của bố mẹ.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, rất nhiều bậc cha mẹ không giành nhiều thời gian cho con. Điểm số là thứ duy nhất họ quan tâm, nhồi nhét đủ mọi cách để con đạt được. Chỉ đến khi con kêu lên “mẹ ơi con mệt lắm rồi, con buông xuôi tất cả” và hẹn “sang kiếp sau sẽ đền đáp công lao cha mẹ”, thì chúng ta đã thực sự mất con rồi!

Hãy lan tỏa những điều tử tế như chúng ta đang gieo những mầm hoa, để niềm tin, lòng tốt sẽ được nhân rộng mãi…

Sự tử tế, làm sao nhân rộng?

Để những điều tử tế được nhân rộng và trở thành thói quen, các chuyên gia cho rằng phải bắt đầu trong môi trường gia đình, nhà trường rồi lan tỏa từ từ.

Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú – TPHCM), nền tảng giáo dục gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tri thức của một đứa trẻ. “Tôi xem clip học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM cúi đầu chào bác bảo vệ, thấy các em làm rất tự nhiên, không phải là sự miễn cưỡng, gượng ép nên có thể nói rằng gia đình đã giáo dục, uốn nắn con những thói quen tốt để có những cử chỉ và hành động đẹp” – thầy Hiếu nói.

Còn theo bà Lê Phi Loan, nguyên giáo viên Trường Mẫu giáo Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, để hình thành thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ, thầy cô cần phải dạy dỗ, uốn nắn trẻ từ khi bắt đầu học nói: dạy trẻ biết thưa, biết cúi đầu chào anh chị, cha mẹ, ông bà… mỗi khi chuẩn bị đi học hoặc khi đi học về. Dạy trẻ biết bảo vệ môi trường bằng cách bỏ rác đúng nơi quy định, yêu cây cỏ, thiên nhiên… Dạy trẻ biết tuân thủ Luật Giao thông từ những bài học đơn giản: đèn đỏ phải dừng, đèn xanh được chạy… Phải thường xuyên uốn nắn, dù là những hành vi, cử chỉ nhỏ thông qua sự làm gương của người lớn, dần dần sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ, thành thói quen tốt.

Và xã hội, khi sự tử tế được lan tỏa, sẽ cũng dần trở nên tử tế hơn.

The Jun – Sống cùng đam mê